Kết nối với Hebela
|
Bạn biết gì về rụng tóc? Tổng hợp nguyên nhân và tính chất của các kiểu rụng tóc phổ biến nhất hiện nay

Bạn biết gì về rụng tóc? Tổng hợp nguyên nhân và tính chất của các kiểu rụng tóc phổ biến nhất hiện nay

Chia sẻ

Trong những năm trở lại đây, rụng tóc đang ngày càng trở thành một căn bệnh phổ biến, có thể xảy đến với bất kỳ ai mà không phân biệt tuổi tác, giới tính hay nghề nghiệp. Không chỉ gặp vô số bất tiện trong đời sống, những người bị rụng tóc còn có tâm lý ngại giao lưu gặp gỡ qua đó ảnh hưởng vô cùng tới sức khỏe tinh thần. Nếu bạn muốn hiểu rõ hơn về nguyên nhân và những loại rụng tóc phổ biến, hãy tham khảo ngay bài viết dưới đây của Hebela.
Nội dung bài viết

1. Những nguyên nhân gây rụng tóc

Mỗi người ở độ tuổi trưởng thành thường rụng từ 50-100 sợi tóc/ngày. Đây là một điều vô cùng tự nhiên trong chu kỳ phát triển của mái tóc, khi phần tóc rụng đi sẽ được thay thế bằng phần tóc mới mọc lên song song.
Tuy nhiên, khi cơ chế này bị gián đoạn đồng nghĩa với việc trên 100 sợi/ngày rơi xuống, lượng tóc rụng vượt lượng tóc mới có thể được coi là rụng tóc nhiều. Bên cạnh đó, bệnh rụng tóc còn thể hiện qua những dấu hiệu như:
  • Tóc rụng không kiểm soát ở mọi nơi (trên sàn nhà, trên bồn rửa mặt, trong nhà vệ sinh,...)
  • Tóc rụng dễ dàng ngay cả khi chải hoặc vuốt nhẹ
  • Tóc mỏng hơn trông thấy khi nắm hoặc cột (đối với các bạn nữ)
  • Rụng tóc từng mảng, da dầu ngày càng lộ rõ
Những nguyên nhân chính gây nên rụng tóc
  • Do gen di truyền: Rụng tóc do gen di truyền có thể xảy ra đối với mọi đối tượng. Việc này xảy ra khi họ thừa hưởng một số loại gene khiến nang tóc nhỏ dần và kết quả sau cùng là ngừng phát triển.
  • Do căng thẳng: Áp lực đến từ những khía cạnh trong cuộc sống là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến chúng ta rụng tóc nhiều hơn thường lệ. Để hạn chế tình trạng này, bạn chỉ có cách vượt qua và giải quyết được những căng thẳng, áp lực mình đang gặp phải.
  • Do hóa chất: Nếu bạn là người có sở thích tạo kiểu tóc; thường xuyên để tóc tiếp xúc với hóa chất và nhiệt độ qua việc nhuộm, tẩy, uốn,… thì chắc chắn không tránh khỏi tình trạng tóc tổn thương và dễ gãy rụng. Trường hợp tệ nhất là nang tóc bị phá hủy nghiêm trọng từ đó tạo ra những mảng hói vĩnh viễn.
  • Do mất cân bằng nội tiết tố ở phái nữ: Nguyên nhân của việc mất cân bằng hormone và gây rụng tóc thường là bởi người phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang. Bên cạnh đó, sau sinh, khi ngừng uống thuốc tránh thai hay bước vào độ tuổi mãn kinh cũng là những thời điểm người phụ nữ có khả năng bị mất cân bằng hormone tạm thời, khiến tóc rụng nhiều và trở nên mỏng hơn.
  • Do cơ thể thiếu chất: Nếu cơ thể bạn đang không có đủ các dưỡng chất như Protein, Biotin, Sắt, Kẽm… thì sẽ có hiện tượng tóc rụng đáng kể. Không nên quá lo lắng vì sau khi cơ thể được bổ sung những dưỡng chất nói trên thì tóc sẽ mọc trở lại.
  • Do tác dụng phụ của thuốc: Rụng tóc có thể xảy ra do tác dụng phụ của một số loại thuốc như thuốc viêm khớp, thuốc trầm cảm, thuốc tiểu đường, thuốc tuyến giáp, thuốc tim mạch, thuốc huyết áp, thuốc trị gout,... Khi nhận thấy tình trạng này, bạn cũng không nên ngay lập tức ngưng sử dụng loại thuốc đang dùng, thay vào đó hãy tham khảo ý kiến và chỉ định của bác sĩ.
  • Do các bệnh lý về da đầu: Da đầu là môi trường để tóc sinh trưởng và phát triển. Nếu da đầu không trong điều kiện tốt nhất, đương nhiên mái tóc cũng bị ảnh hưởng. Một số bệnh viêm nhiễm da dầu, nấm đầu, vảy nến, gàu,... có thể khiến da và nang tóc bị tổn thương, gây ngứa ngáy từ đó khiến bạn gãi đầu thường xuyên, làm gia tăng tình trạng tóc rụng. 
các kiểu rụng tóc 1
Rụng tóc có thể đến từ rất nhiều nguyên nhân (Nguồn: Internet)

2. Các giai đoạn của quá trình mọc tóc

Vòng đời của nang tóc có thể được chia thành 3 giai đoạn:
  • Giai đoạn tăng trưởng (Anagen): kéo dài từ 2-8 năm. Ở giai đoạn này, tóc mọc tương đối nhanh.
  • Giai đoạn thoái trào (Catagen): kéo dài từ 2-3 tuần. Ở giai đoạn này, tóc bắt đầu mọc chậm dần, ngưng phát triển cũng như tách ra khỏi nang lông.
  • Giai đoạn nghỉ ngơi (Telogen): kéo dài từ 2-3 tháng. Ở giai đoạn này, các nang lông dừng hoạt động. Các tế bào tóc trong giai đoạn này trở thành tế bào chết, có xu hướng sừng hóa.
các kiểu rụng tóc 2
Mỗi nang tóc trải qua 3 giai đoạn phát triển (Nguồn: Internet)

3. 6 loại rụng tóc phổ biến

Tương ứng với những giai đoạn trên, rụng tóc có thể chia thành các loại:

3.1. Rụng tóc Androgen di truyền (Androgenetic Alopecia)

Đây là kiểu rụng tóc phổ biến nhất, có thể xảy ra với bất cứ ai mà không phân biệt giới tính. Nếu không có những biện pháp khắc phục kịp thời, chứng rụng tóc này sẽ không chỉ dẫn đến hói đầu mà tệ hơn cả là ảnh hưởng rất xấu tới sức khỏe tinh thần người bệnh. 
Rụng tóc Androgen di truyền là một loại rụng tóc do nội tiết tố. Nghiên cứu cho thấy, những người có thành viên trong gia đình mắc chứng rụng tóc này sẽ có nguy cơ gấp 2 lần mắc phải căn bệnh này so với người bình thường.
Nam giới mắc chứng bệnh này có thể bị rụng tóc và có những dấu hiệu của hói đầu ngay từ khi 20 tuổi, thậm chí là trước đó. Dấu hiệu nhận biết của chứng bệnh này ở nam giới là tóc thưa dần ở đỉnh đầu, ở trán hoặc ở thái dương. Trong khi đó, ở phụ nữ, chứng rụng tóc Androgen sẽ có biểu hiện là tóc rụng dần (nhiều nhất ở đỉnh đầu), trở nên mỏng hơn khi họ bước vào tuổi trung niên hoặc thời kỳ tiền mãn kinh (trên 40 tuổi).

các kiểu rụng tóc 3

Dấu hiệu nhận biết của chứng rụng tóc Androgen ở nam giới là tóc thưa dần ở đỉnh đầu, ở trán hoặc ở thái dương (Nguồn: Internet)

3.2. Rụng tóc thành đám (Alopecia Areata)

Rụng tóc thành đám hay còn gọi là rụng tóc từng mảng hay còn có tên gọi khác là bệnh pelade, có biểu hiện là tóc rụng và không mọc lại do hệ thống miễn dịch trong cơ thể tấn công nang tóc, dẫn đến tóc rụng toàn bộ. Chứng bệnh này thường gặp ở người lớn (trước tuổi trung niên), tỷ lệ nam giới mắc phải so với nữ giới là 2/1.
Căn bệnh này có thể đến từ yếu tố di truyền, miễn dịch, nội tiết, nhiễm khuẩn, thậm chí là cả stress. Triệu chứng của loại bệnh này là tóc rụng thành một hoặc nhiều mảng, rụng thành hình tròn, hình bầu dục. Vùng da bị rụng tóc trở nên nhẵn nhụi như một vết sẹo, nếu nhìn kỹ có thể thấy một số sợi tóc mảnh và nhạt màu như lông tơ. Theo thời gian, các vùng tóc rụng không có sự thay đổi, thường mọc lại ngẫu nhiên sau vài tháng. Chứng bệnh này cũng thường quay trở lại.
Đặc biệt, trẻ em cũng là một đối tượng có thể mắc phải chứng rụng tóc từng mảng. Mặc dù yếu tố di truyền có liên quan, tuy nhiên không phải 100% cha mẹ mắc loại bệnh này sẽ di truyền sang con cái. 

các kiểu rụng tóc 4

Rụng tóc thành đám có thể đến từ yếu tố di truyền, miễn dịch, nội tiết, nhiễm khuẩn, thậm chí là cả stress (Nguồn: Internet)

3.3. Rụng tóc Telogen (Telogen Effluvium)

Đây là chứng rụng tóc mỗi ngày, tóc ngày càng mỏng và thưa đi, tóc rụng dễ dàng chỉ với một cái vuốt nhẹ. Khi bạn mắc phải chứng bệnh này, tóc sẽ chuyển nhanh từ giai đoạn Anagen sang giai đoạn Catagen và Telogen. 1 người mắc Telogen Effluvium có thể rụng 300-500 sợi tóc/ngày, lớn hơn rất nhiều so với con số 100 sợi tóc/ngày của một người bình thường. Nguyên nhân của chứng rụng tóc Telogen là do môi trường ô nhiễm; thay đổi nội tiết tố khi có thai, sinh con; mất máu do chấn thương, phẫu thuật; sốt cao; giảm cân đột ngột trong thời gian ngắn; ngưng sử dụng thuốc tránh thai; chế độ ăn uống thiếu chất;... Các nguyên nhân thường đến trước việc rụng tóc Telogen khoảng 6- 16 tuần. Tóc có thể mọc lại sau đó, tuy nhiên nếu tình hình trở nên nghiêm trọng và tái phát ở lần mang thai tiếp theo thì có thể tóc không mọc lại hoàn toàn.

3.4. Rụng tóc Anagen (Anagen Effluvium)

Rụng tóc Anagen là loại rụng tóc lan tỏa, bắt đầu nhanh và tương đối rõ rệt. Chứng bệnh này kiềm hãm sự sinh trưởng của tóc hoặc làm tổn thương các sợi tóc trong giai đoạn Anagen, khiến chúng chuyển nhanh sang giai đoạn Catagen và Telogen rồi rụng đi. Những nguyên nhân phổ biến nhất của rụng tóc Anagen là do thuốc, nhiễm độc hoặc trị liệu.

3.5. Rụng tóc do giang mai (Syphilis)

Bệnh giang mai II có khả năng gây rụng tóc, nhiều nhất ở vùng thái dương và gáy; có biểu hiện là rụng một cách nham nhở. Khi người bệnh điều trị khỏi căn bệnh giang mai, tóc sẽ mọc trở lại.

3.6. Rụng tóc do tật nhổ tóc (Trichotillomania)

Đây là tật xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhất là ở những người làm việc bằng trí óc. Theo nghiên cứu, họ thường nhổ tóc khi căng thẳng, khi cáu kỉnh hoặc khi xem TV. Họ thường cảm thấy khó chịu khi không được nhổ tóc, từ đó hình thành nên thói quen này. Có người nhổ nơi đỉnh đầu, có người nhổ ở hai bên thái dương. Kéo nhổ tóc làm tăng số tóc Anagen và Catagen (bởi vì phần lớn tóc Telogen đã bị nhổ đi). Nếu xảy ra trong một khoảng thời gian dài, hành vi này có thể dẫn đến rụng tóc vĩnh viễn.

các kiểu rụng tóc 5

Nếu xảy ra trong một khoảng thời gian dài, hành vi này có thể dẫn đến rụng tóc vĩnh viễn (Nguồn: Internet)

4. Kết luận

Trên đây là tổng hợp những nguyên nhân, giai đoạn và đặc điểm cụ thể của các kiểu rụng tóc phổ biến nhất hiện nay. Các bạn hãy luôn nhớ rằng, không có ai trên đời này hoàn hảo cả do đó cũng đừng quá tự ti, thu mình nếu bạn mắc phải một trong những chứng rụng tóc nói trên. Thay vào đó, hãy tìm hiểu và trang bị cho mình những kiến thức khoa học về căn bệnh này để tìm ra các biện pháp cải thiện an toàn, phù hợp. Hy vọng bài viết trên đã hữu ích với bạn. Hãy truy cập Hebela.com để đọc thêm nhiều bài viết về thế giới sức khỏe, làm đẹp nhé!

Chia sẻ

KHUYẾN CÁO

Thông tin tại Hebela Blog chỉ mang tính chất tham khảo, không được xem là tư vấn y khoa và không nhằm mục đích thay thế cho chẩn đoán, điều trị hoặc ngăn ngừa bệnh tật. Vui lòng tìm hiểu kỹ và yêu cầu tư vấn từ bác sĩ hoặc chuyên gia y tế trước khi thực hiện theo bất kỳ hướng dẫn nào tại Hebela Blog